• Điện thoại: 0972153355
  • Đường dây nóng: 0912080468 - 0903260189

UBND tỉnh Quảng Ninh họp bàn nâng cao vị thế của cảng biển Quảng Ninh

Thứ Năm, 29/03/2018, 08:31 GMT+7

Chiều 28/3, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp bàn thống nhất công tác quản lý nhà nước về tàu biển chở hàng hóa vào địa bàn Quảng Ninh. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BGTVT ngày 3/1/2018 của Bộ GTVT về công bố vùng nước cảng biển Quảng Ninh, tỉnh có 6 khu vực hoạt động hàng hải. Tuy nhiên, hiện mới có 4 khu vực hoạt động hàng hải phát triển, đó là các khu vực hàng hải: Hòn Gai, Cẩm Phả, Móng Cái và Quảng Yên.

Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì buổi làm việc.

Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, năm 2017, sản lượng hàng hóa thông qua các khu vực hàng hải Quảng Ninh đạt 86,5 triệu tấn, 16.392 lượt tầu biển và 98.041 lượt hành khách. Quý I/2018, sản lượng hàng hóa đạt 23,5 triệu tấn, 5.444 lượt tàu biển và 75.000 lượt hành khách.

Mặc dù công tác cải cách thủ tục hành chính, công tác quản lý, hoạt động của khu vực hàng hải của Quảng Ninh được tỉnh, các ngành chức năng chú trọng chỉ đạo, thực hiện, tuy nhiên vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể: Hoạt động hàng hải tại khu vực Móng Cái, dù có vị trí địa lý thuận lợi, tàu thuyền ra, vào tăng, tuy nhiên chủ yếu vẫn là phương tiện thủy nội địa và phương tiện nhỏ của Trung Quốc dưới 200 DWT nhập, xuất cảnh và các mặt hàng vận chuyển chủ yếu là rượu, thuốc lá, đồ đông lạnh, xỉ than. Đối với khu vực hàng hải Cẩm Phả, do đặc thù các bến cảng tại khu vực là đầu mối vận chuyển các mặt hàng chiến lược của Chính phủ, như xi măng, than, do đó năm 2017 thực hiện chính sách an ninh năng lượng, sản lượng than, xi măng xuất khẩu giảm. Ngoài ra, diễn biến bất lợi về thời tiết đã làm thời gian tàu neo đậu, hủy chuyến tại khu vực này tăng, ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải. Hoạt động hàng hải khu vực Quảng Yên cũng gặp khó khăn do luồng hàng hải vào khu vực Nhà máy Sửa chữa tàu biển Nosco chưa được khơi thông, nạo vét và mở rộng độ sâu phù hợp, nên các nhà đầu tư còn dè dặt trong xây dựng hạ tầng cảng biển...

Quang cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, bên cạnh đánh giá những lợi thế, thuận lợi, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cũng nêu những vướng mắc cần sớm được giải quyết, đồng thời kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ bền vững để các chủ tàu, chủ hàng và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ lựa chọn khu vực cảng biển Quảng Ninh, giảm khoảng cách về mặt địa lý giữa các tỉnh phía Bắc với Quảng Ninh; quy hoạch khu công nghiệp ven biển, gắn liền với kết nối giao thông sau cảng tại khu vực Hòn Gai; xem xét quy hoạch, xây dựng trung tâm dịch vụ logistic tại khu vực Quảng Yên, khu vực đầm nhà Mạc để tận dụng được ưu thế về luồng chạy tàu có độ sâu đảm bảo, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu tại chỗ...

Trên cơ sở báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh và ý kiến của đại diện các sở, ngành của tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Quảng Ninh có thế mạnh đặc biệt về kinh tế biển và nằm trong cụm cảng trọng điểm phía Bắc, được Thủ tướng Chính phủ xác định là 1 trong 5 khu vực cảng biển lớn của cả nước. Do đó, mục tiêu của tỉnh là khai thác hiệu quả lợi thế này, trong đó tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hãng tàu biển vào Quảng Ninh.

Thời gian qua, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác quản lý hoạt động hàng hải được duy trì hiệu quả. Đặc biệt, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong phát huy hiệu quả hoạt động hàng hải được quan tâm triển khai hiệu quả. Sản lượng hàng hóa, số lượt tàu, tuyền trong nước và nước ngoài thông qua khu vực cảng biển Quảng Ninh thời gian gần đây tăng.

Đồng chí Nguyễn Đức Long cũng nhấn mạnh đến hệ thống hạ tầng giao thông kết nối được tỉnh tập trung đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, đặc biệt là Dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đang được triển khai thi công; các dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả được triển khai thời gian tới... sẽ giúp nâng cao khả năng kết nối giữa các cảng với trung tâm kinh tế, các cửa khẩu, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Đại diện Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh báo cáo về hoạt động hàng hải trên địa bàn tỉnh tại buổi làm việc.

Để tiếp tục phát huy lợi thế, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong hoạt động hàng hải, đồng chí Nguyễn Đức Long yêu cầu, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất để các chủ tàu, hãng tàu, thuyền yên tâm khi vào cảng Quảng Ninh. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục làm đầu mối quản lý về cảng biển trên địa bàn, giúp tỉnh các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước, nắm và tập hợp kiến nghị, vướng mắc của các chủ tàu, thuyền, từ đó đề xuất các giải pháp để sớm giải quyết; các ngành chức năng phối hợp làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, tạo thuận lợi nhất trong quá trình giao nhận hàng hóa tại cảng.

Đối với các kiến nghị của Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Đức Long yêu cầu, Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh sớm hoàn chỉnh và trình phê duyệt toàn bộ đề án hạ tầng khu công nghiệp Cái Lân; Sở GTVT tham mưu thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chuyển tải hàng hóa; Sở KHĐT tham mưu phương án đầu tư đường điện chiếu sáng 2,2km từ cảng Quảng Ninh ra QL18. Định kỳ, Văn phòng UBND tỉnh và Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cần thông tin, trao đổi, đánh giá về hoạt động của khu vực hàng hải của tỉnh, từ đó kịp thời đề xuất tháo gỡ những vướng mắc.

Nguyễn Huế

Nguồn: Baoquangninh.com.vn

 

Các bài đã đăng